NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH KÝ QUỸ
Cập nhật ngày 18/01/2021 - 10:31:11
I. Nguyên tắc xác định ký quỹ
Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc chứng khoán được chấp nhận ký quỹ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của bên có nghĩa vụ.
II. Các loại ký quỹ
1. Ký quỹ ban đầu (Initial Margin - IM)
a. Ký quỹ ban đầu là giá trị ký quỹ tối thiểu mà Thành viên bù trừ (TVBT) phải nộp cho VSD đối với các vị thế đứng tên TVBT dự kiến mở trước khi thực hiện giao dịch, trừ các giao dịch đối ứng của cùng một tài khoản giao dịch. Dựa trên phương pháp do VSD hướng dẫn, TVBT tự tính toán giá trị ký quỹ ban đầu cho các vị thế dự kiến mở để nộp cho VSD theo tỷ lệ ký quỹ ban đầu do VSD công bố.b. TVBT được nộp ký quỹ ban đầu bằng tiền và chứng khoán nhưng phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ bằng tiền trên tổng giá trị tài sản ký quỹ trên mỗi tài khoản của nhà đầu tư tại mọi thời điểm không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ bằng tiền tối thiểu do VSD quy định và công bố trên trang thông tin điện tử của VSD, phù hợp với quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 Thông tư 11, trừ trường hợp ký quỹ bằng trái phiếu để chuyển giao khi thực hiện HĐTL TPCP theo quy định tại Điểm b Khoản 2.2 Điều 5 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD.
c. Trường hợp TVBT nộp ký quỹ bằng chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu đối với chứng khoán ký quỹ nêu tại Điều 06 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD.
d. VSD xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho Hợp đồng tương lai chỉ số và Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP) dựa trên các yếu tố:
- Biến động giá giao dịch của HĐTL hoặc chỉ số cơ sở (chỉ áp dụng đối với HĐTL chỉ số), hoặc giá trái phiếu chính phủ/chỉ số trái phiếu chính phủ (chỉ áp dụng đối với HĐTL TPCP) trong kỳ quan sát tối thiểu là chín mươi (90) ngày giao dịch được đánh giá theo phương pháp định lượng rủi ro VaR;
- Thời điểm đáo hạn của HĐTL;
- Các yếu tố khác VSD xét thấy cần thiết.
e. Định kỳ vào ngày 1, 10 và 20 hàng tháng, VSD xác định lại tỷ lệ ký quỹ ban đầu. Trường hợp các ngày nêu trên trùng với ngày nghỉ thì thời gian xác định lại sẽ là ngày làm việc liền kề tiếp theo.
f. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu được công bố trên trang thông tin điện tử của VSD ít nhất hai (02) ngày làm việc trước khi áp dụng.
g. Trường hợp cần thiết, VSD có quyền đánh giá lại tỷ lệ ký quỹ ban đầu căn cứ vào biến động thực tế của thị trường và có hiệu lực kể từ làm việc liền kề sau ngày công bố.
h. Phương pháp xác định tỷ lệ ký quỹ ban đầu và giá trị ký quỹ ban đầu được hướng dẫn tại phụ lục 02 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD..
2. Ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP (Delivery Margin - DM)
Ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP là giá trị ký quỹ mà TVBT bên bán và TVBT bên mua phải nộp cho VSD từ sau ngày giao dịch cuối cùng (ngày E+1) và duy trì cho đến ngày thanh toán cuối cùng (E+3) để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, thay cho khoản ký quỹ ban đầu. Các hình thức nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP bao gồm:a. Nộp ký quỹ bằng tiền
- TVBT nộp ký quỹ bằng tiền vào tài khoản tiền gửi ký quỹ thành viên của VSD tại Ngân hàng thanh toán (NHTT). Giá trị ký quỹ được xác định dựa trên tỷ lệ ký quỹ bảo đảm thực hiện HĐTL TPCP, số lượng hợp đồng đáo hạn, giá thanh toán cuối cùng và hệ số nhân của hợp đồng theo hướng dẫn tại Phụ lục 02 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD.
- Tỷ lệ ký quỹ bảo đảm thực hiện HĐTL TPCP được công bố trên trang điện tử của VSD ít nhất hai (02) ngày làm việc trước khi áp dụng.
b. Nộp trái phiếu trong danh sách các trái phiếu có thể chuyển giao.
- TVBT nộp ký quỹ bằng trái phiếu chuyển giao vào tài khoản chứng khoán ký quỹ đứng tên VSD theo nguyên tắc nộp tròn mười nghìn (10.000) trái phiếu chính phủ của một mã trái phiếu thuộc danh sách các trái phiếu có thể chuyển giao tương ứng với một (01) HĐTL. Số trái phiếu này sẽ được VSD quản lý tách biệt với các chứng khoán ký quỹ khác.
c. TVBT bên mua phải nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP bằng tiền. TVBT bên bán được quyền nộp ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP bằng tiền hoặc bằng trái phiếu trong danh sách các trái phiếu có thể chuyển giao.
3. Ký quỹ biến đổi (Variation Margin - VM)
a. Ký quỹ biến đổi được xác định trên cơ sở lãi lỗ vị thế trong phiên giao dịch của các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa:- Đối với vị thế hiện có trên tài khoản: Giá giao dịch được cập nhật trong phiên giao dịch với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với vị thế đã có trên tài khoản từ cuối ngày giao dịch liền trước), hoặc với giá thanh toán mở vị thế (đối với vị thế vừa mở trong ngày);
- Đối với vị thế đóng trong ngày: Giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với vị thế đã có trên tài khoản từ cuối ngày giao dịch liền trước), hoặc với giá thanh toán mở vị thế (đối với vị thế vừa mở trong ngày).
b. Giá trị ký quỹ biến đổi chỉ được tính vào giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu trong trường hợp lãi lỗ vị thế của danh mục đầu tư trên tài khoản của nhà đầu tư ở trạng thái lỗ.
4. Ký quỹ duy trì yêu cầu (Margin Requirement - MR)
a. Ký quỹ duy trì yêu cầu là tổng giá trị ký quỹ mà TVBT có nghĩa vụ phải nộp để duy trì các vị thế đứng tên TVBT được tính toán trong phiên giao dịch cho danh mục vị thế trên từng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và tài khoản của chính TVBT gồm các giá trị ký quỹ thành phần sau:- Ký quỹ ban đầu.
- Ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP
- Ký quỹ biến đổi.
b. Tài khoản giao dịch của nhà đầu tư chỉ được mở thêm vị thế khi tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của tài khoản dưới ngưỡng cảnh báo mức độ 3. Nếu tỷ lệ này rơi vào ngưỡng cảnh báo mức độ 3, tài khoản giao dịch của nhà đầu tư sẽ bị đình chỉ giao dịch và TVBT phải thực hiện giảm vị thế thông qua việc mở mới vị thế đối ứng để đóng vị thế hiện có hoặc nộp bổ sung tài sản ký quỹ cho VSD. Quy định về ngưỡng cảnh báo và việc xử lý trường hợp vi phạm ngưỡng cảnh báo thực hiện theo quy định tại điều 13 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD.
III. Nộp ký quỹ
1. Nộp ký quỹ bằng tiền
TVBT nộp tiền ký quỹ của thành viên và khách hàng vào tài khoản tiền gửi ký quỹ thành viên đứng tên VSD mở tại NHTT (Quy trình cụ thể quy định tại điều 10 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD)
2. Nộp ký quỹ bằng chứng khoán
Tùy theo mục đích ký quỹ ban đầu hay ký quỹ đảm bảo thực hiện HĐTL TPCP, TVBT gửi cho VSD điện yêu cầu chuyển khoản chứng khoán từ Tài khoản Chứng khoán ký quỹ tại TVBT của nhà đầu tư (Quy trình cụ thể quy định tại điều 10 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD).
IV. Quy trình thực hiện ký quỹ đối với Nhà đầu tư
Khi thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ với thành viên bù trừ như sau:1. Nhà đầu tư có trách nhiệm nộp đầy đủ ký quỹ ban đầu cho toàn bộ vị thế dự kiến mở cho thành viên bù trừ trước khi thực hiện giao dịch, ngoại trừ các giao dịch đối ứng;
2. Nhà đầu tư phải duy trì ký quỹ cho vị thế của mình và phải bổ sung ký quỹ khi giá trị tài sản ký quỹ xuống dưới giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu hoặc số dư tiền gửi ký quỹ không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì bằng tiền theo yêu cầu của thành viên bù trừ. Tùy vào điều kiện thị trường, thành viên bù trừ có quyền yêu cầu nhà đầu tư bổ sung ký quỹ ngay trong phiên giao dịch (intra-day margin);
3. Nhà đầu tư được rút bớt tài sản ký quỹ nếu giá trị tài sản ký quỹ vượt quá giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu do thành viên bù trừ quy định;
4. Khi ký quỹ ban đầu hoặc bổ sung ký quỹ, thành viên bù trừ được yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ hoàn toàn bằng tiền hoặc cho phép nhà đầu tư sử dụng một phần tài sản ký quỹ là chứng khoán theo tỷ lệ ký quỹ bằng tiền do thành viên bù trừ quy định nhưng không thấp hơn tỷ lệ ký quỹ bằng tiền theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán.
V. Quy trình thực hiện ký quỹ đối với Thành viên bù trừ
Thành viên bù trừ thực hiện ký quỹ với Trung tâm lưu ký chứng khoán như sau:1. Thành viên bù trừ phải nộp ký quỹ ban đầu cho Trung tâm lưu ký chứng khoán cho các vị thế đứng tên mình dự kiến mở trước khi thực hiện giao dịch, trừ các giao dịch đối ứng của cùng một tài khoản giao dịch;
2. Thành viên bù trừ phải bổ sung ký quỹ khi tổng giá trị tài sản ký quỹ không đáp ứng được giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu do Trung tâm Lưu ký chứng khoán tính toán đối với toàn bộ vị thế đứng tên mình và được rút bớt tài sản ký quỹ nếu giá trị tài sản ký quỹ vượt quá giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán;
3. Tỷ lệ ký quỹ bằng tiền thực hiện theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán, đảm bảo không thấp hơn 80%, trừ trường hợp ký quỹ bằng chứng khoán để chuyển giao khi thực hiện hợp đồng hoặc nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán hợp đồng tương lai trái phiếu thanh toán dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở thực hiện ký quỹ bằng tài sản có thể chuyển giao. Giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu đối với danh mục đầu tư trên từng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, tổng giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu đối với toàn bộ vị thế đứng tên thành viên bù trừ do Trung tâm lưu ký chứng khoán tính toán trong phiên giao dịch dựa trên giá trị ký quỹ ban đầu, giá trị lãi lỗ vị thế kết hợp với việc đánh giá về khả năng biến động giá tối đa, mức độ tương quan giữa các vị thế, yêu cầu ký quỹ khi thực hiện hợp đồng theo phương thức chuyển giao tài sản cơ sở và các yếu tố khác mà Trung tâm lưu ký chứng khoán xét thấy là cần thiết;
4. Trung tâm lưu ký chứng khoán xác định và giám sát theo thời gian thực tỷ lệ giữa giá trị ký quỹ duy trì yêu cầu với tổng giá trị tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư, thành viên bù trừ. Trường hợp tỷ lệ này rơi vào các ngưỡng theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán có quyền cảnh báo thành viên bù trừ và áp dụng một trong các biện pháp xử lý sau:
- Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán đình chỉ giao dịch đối với các tài khoản giao dịch liên quan, trừ các giao dịch đối ứng;
- Yêu cầu thành viên bù trừ (đối với tài khoản tự doanh) hoặc thông qua thành viên bù trừ yêu cầu nhà đầu tư (đối với tài khoản của nhà đầu tư) thực hiện giao dịch đối ứng để giảm vị thế, bổ sung tài sản ký quỹ.
VI. Rút tài sản ký quỹ
TVBT được quyền rút tài sản ký quỹ khi đáp ứng các điều kiện sau:1. Tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ sau khi rút ở dưới ngưỡng cảnh báo mức độ 3 quy định tại Khoản 1 Điều 13 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD;
2. Đối với trường hợp rút ký quỹ bằng chứng khoán, số lượng chứng khoán rút phải nhỏ hơn hoặc bằng số lượng chứng khoán ký quỹ cho VSD.
3. Tài khoản đề nghị rút đang không ở trong trạng thái bị đình chỉ giao dịch do vi phạm ngưỡng sử dụng tài sản ký quỹ, vi phạm giới hạn vị thế hoặc mất khả năng thanh toán.
(Quy trình cụ thể quy định tại điều 11 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD).
VII. Yêu cầu đối với tài sản ký quỹ bằng chứng khoán
1. Các loại chứng khoán được VSD chấp nhận làm tài sản ký quỹ bao gồm:a. Trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh ngoại trừ tín phiếu Kho bạc.
b. Chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư ngoại trừ chứng chỉ quỹ ETF).
2. Chứng khoán ký quỹ nêu trên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a. Thuộc danh sách tài sản ký quỹ do VSD quy định trong từng thời kỳ dựa trên tính thanh khoản của chứng khoán được xác định theo quy định tại phụ lục 03 Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD.
b. Không thuộc loại bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán; hoặc chứng khoán của các tổ chức phát hành đang trong tình trạng thanh lý, giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập.
c. Không bị cầm cố, phong tỏa, tạm giữ tại VSD.
d. Thuộc loại tự do chuyển nhượng và đã được lưu ký trên tài khoản chứng khoán giao dịch tại VSD.
e. Là tài sản do nhà đầu tư, TVBT đứng tên sở hữu trên tài khoản lưu ký.
Tin khác
Tin nổi bật
-
19/12/2024 - 15:39:17
Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công...
-
06/12/2024 - 16:38:35
Đảng ủy Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam tổ chức chương trình về nguồn năm 2024 tại tỉnh Thanh Hóa.
-
08/11/2024 - 16:54:53
TCI12401: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu
-
08/11/2024 - 16:52:26
CII124021: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán lần đầu
-
11/10/2024 - 10:48:05
Tổng cục Thuế chúc mừng VSDC nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
-
20/09/2024 - 14:28:24
Phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
16/09/2024 - 16:34:52
VSDC tham dự Hội nghị toàn thể thường niên lần thứ 26 của Hiệp hội các Tổ chức Lưu ký, Bù trừ chứng khoán khu vực Châu Á -...
-
30/08/2024 - 17:06:29
BCM12403: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu lần đầu
-
30/08/2024 - 17:05:22
CTG12412: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu lần đầu
-
22/08/2024 - 08:50:23
MBB: Chuyển quyền sở hữu 10.599.512 cổ phiếu
Thống kê
-
43.042|6.077
-
6
-
3.239
-
800
-
37
-
9.297.988