Thư ngỏ

img
Chủ tịch Hội đồng quản trị

Kính thưa Quý độc giả,

Trái với dự kiến phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu năm 2022 đối mặt với hàng loạt những thách thức lớn, bao gồm sức ép lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm lại do tác động của các biến động kinh tế, địa - chính trị thế giới. Xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và xu hướng thắt chặt tiền tệ ứng phó với lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của thế giới. Theo Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kinh tế toàn cầu năm 2022 tăng trưởng chậm lại còn 3,19%, giảm mạnh so với mức 6,02% năm 2021 và thấp hơn mức dự báo đưa ra đầu năm là 4,4%. Một số nền kinh tế lớn như Mỹ suy giảm hai quý liên tiếp, giảm 1,6% quý I và 0,9% quý II, Nhật Bản suy giảm 0,3% quý III cộng với sự tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức 2,7%. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới đến dòng vốn đầu tư (FDI) và việc USD tăng giá cũng dẫn đến xu hướng dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường đang nổi do sức hấp dẫn từ việc đầu tư để hưởng chênh lệch lãi suất ở các thị trường này sụt giảm mạnh. Chỉ số chứng khoán thế giới năm 2022 đã giảm 20% do chịu ảnh hưởng của lạm phát cao và những diễn biến căng thẳng tại châu Âu. Tại Đông Nam Á nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất để đối phó với việc đồng tiền mất giá và lạm phát gia tăng cùng với giá lương thực và năng lượng toàn cầu cao hơn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về tiền tệ (bảo đảm thanh khoản, cung tín dụng, điều chỉnh phù hợp tỉ giá, lãi suất) đồng thời nới lỏng chính sách tài khóa thông qua giãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí với tinh thần chủ động, linh hoạt, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhờ đó hoạt động kinh tế – xã hội năm 2022 của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2022 ít nhiều đã bị tác động không nhỏ đặc biệt là thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên đây cũng là năm mà ngành chứng khoán đã nỗ lực để triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường trong đó có việc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về sáng ngày T+2, đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn mục tiêu được nâng hạng. Số tài khoản chứng khoán đến hết năm 2022 là 6,8 triệu tài khoản đạt 6,8% dân số Việt Nam, vượt xa mục tiêu 5% được đưa ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Ðề án cơ cấu TTCK và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025. Nhìn lại năm 2022, năm mà thị trường cổ phiếu giảm sút mạnh song thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh vẫn duy trì được đà tăng trưởng, cụ thể: Kết thúc phiên giao dịch năm 2022, chỉ số VNIndex đạt 1007,09 điểm, giảm 32,8% so với cuối năm 2021. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 205,31 điểm, giảm 56,7% so với cuối năm 2021 trong đó chủ yếu do thị trường cổ phiếu suy giảm. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.227 nghìn tỷ đồng, giảm 32,7% so với cuối năm 2021, tương đương 61,6% GDP năm 2021 (55% GDP ước tính năm 2022); quy mô niêm yết trái phiếu đạt hơn 1.743 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2021 (tương đương 18,3% GDP ước tính năm 2022). Thị trường phái sinh với khối lượng giao dịch bình quân đạt 272.660 hợp đồng/phiên, tăng 44% so với bình quân năm trước. Đó là những kết quả đáng ghi nhận của TTCK năm 2022 - năm mà tình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước có nhiều biến động, diễn biến phức tạp với nhiều thách thức và thuận lợi đan xen.
Năm 2022, trước những khó khăn thách thức lớn của TTCK, VSD luôn kiên định với tinh thần “không ngừng nỗ lực cùng thị trường vượt qua khó khăn” giữ vững thành quả hiện có, tiếp tục thực hiện các sứ mệnh được giao, đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, thông suốt và bảo mật; thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật và không để xảy ra bất kỳ sự cố nào gây gián đoạn đến hoạt động của thị trường, cùng ngành chứng khoán đưa ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ nhà đầu tư nhằm nâng cao quy mô thanh khoản trên thị trường.
Kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2022 đầy biến động, thách thức và dự báo tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên, một số điểm sáng đối với kinh tế thế giới trong năm 2023 có thể giúp giảm bớt áp lực đối với điều hành vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm áp lực lạm phát có xu hướng giảm khi nhiều quốc gia đạt đỉnh lạm phát trong năm 2023 và Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-Covid. Trước bối cảnh đó, để duy trì được tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục kiên trì các biện pháp nhằm ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút FDI để đảm bảo cân đối ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững cho TTCK thông qua việc đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc thị trường, phát triển các sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK để đảm bảo cho TTCK phát triển bền vững và tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, theo dự báo TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế và cộng thêm nguồn vốn FDI tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ nước khác sang Việt Nam. Tăng trưởng trong nước tiếp tục được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới, chính sách tài khóa, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ được giải ngân nhiều hơn vào năm 2023.
Từ những chính sách, cải cách mới của Chính phủ và các thuận lợi nêu trên, bước sang năm 2023 tôi tin tưởng TTCK vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, tạo ra nhiều cơ hội và niềm tin lớn cho nhà đầu tư vào TTCK Việt Nam. Trước những thành quả đã đạt được, để cám ơn và đáp lại sự quan tâm và ủng hộ của Lãnh đạo cơ quan quản lý, sự tin tưởng, đồng hành của các đối tác và công chúng đầu tư, với phương châm “tất cả vì sự phát triển bền vững của thị trường” VSD cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường, tổ chức phát hành, công ty quản lý quỹ để đảm bảo cho thị trường vận hành thông suốt, an toàn, hiệu quả, bảo mật; đồng thời cam kết sẽ phối hợp với các tổ chức lưu ký trong khu vực đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 25 của Hiệp hội các Trung tâm Lưu ký Chứng khoán khu vực châu Á Thái Bình Dương (ACG25) tại Việt Nam nhằm tạo cầu nối ngày càng vững chắc cho TTCK trong nước và TTCK khu vực cũng như nâng cao vị thế của VSD trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực triển khai hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động theo Quyết định số 26/2022/QĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để tạo đà phát triển vững vàng cho những năm tiếp theo./.

Xin trân trọng cảm ơn Quý độc giả!

Hà Nội, 2023

Chủ tịch Hội đồng quản trị
 

Nguyễn Sơn